Không Nên Trị Gout Bằng Thuốc Giảm Đau

Không nên trị gout bằng thuốc giảm đau

Bệnh gout luôn đem lại cảm giác đau nhức, khó chịu cho con người vì thế cần phải chữa trị kịp thời và đúng cách. Tuy nhiên có một vài bệnh nhân (BN) do thiếu hiểu biết tự chữa bệnh tại nhà bằng thuốc giảm đau nên bệnh không giảm mà lại càng nặng hơn.

TS.BS Nguyễn Đình Phú - Phó Giám đốc BV Nhân dân 115, TP.HCM cho biết, hậu quả nặng nhất do điều trị bệnh gout sai chỉ định là chân tay bị biến dạng bất thường mà thực chất là biến dạng khớp.

Mua thuốc “tự xử” bệnh gout

Cách đây 1 tuần, BV Nhân dân 115 đã tiếp nhận một BN tên là N.N.P, 62 tuổi quê ở Long An trong tình trạng mệt mỏi, đừ người, da niêm nhạt, sưng nóng các khớp cổ tay chân, đầu gối, các khớp nhỏ ở hai bên bàn tay, bàn chân. Trên vị trí các khớp lớn ở đầu gối, cổ chân và khớp nhỏ ở bàn tay, bàn chân người bệnh còn nổi lên những nốt sần to nằm rải rác cho thấy khớp đã bị viêm nặng. Bà M. vợ của ông P. cho biết, chồng bà được BS tại BV Đa khoa Long An chẩn đoán bị bệnh gout từ năm 2006. Thời gian đầu ông còn đi khám và lấy thuốc về uống nhưng sau đó do bận rộn công việc và nghe lời khuyên của một vài người thân, người đàn ông này đã tự ra tiệm thuốc tây mua các loại thuốc giảm đau về uống. “Thời gian đầu khi tôi uống thấy chân tay bớt sưng và nhất là không còn tình trạng đau nhức như trước đây kể cả những lúc đi nhậu về. Tôi nghĩ mình đã uống đúng thuốc. Tuy nhiên gần đây các khớp chân khớp tay bị viêm nặng xuất hiện nhiều nốt lớn nên tôi mới lên BV Nhân dân 115 để điều trị” - ông P. kể. Đó cũng là cách chữa bệnh gout của bà Võ Thị Nguyệt ngụ ở huyện Long Khánh tỉnh Đồng Nai cách đây 5 năm. Bà Nguyệt không ngờ rằng thuốc giảm đau đánh lừa được cơn nhức mỏi tại chỗ nhưng lại gây ra hậu quả vô cùng nghiêm trọng là chân tay bị nổi cục mà nguyên nhân là do các khớp lớn khớp nhỏ trong cơ thể bà đã bị biến dạng nặng. Trong lúc đó bà Nguyệt vẫn giữ thói quen ăn nhiều thực phẩm giàu chất đạm như hải sản, thịt đỏ và lại ít vận động. Trong lúc xương khớp “phát triển” bất bình thường thì các phần cơ lại teo đi nhanh chóng nên dần dần việc cầm nắm bằng tay và đi đứng bằng chân của người phụ nữ U60 cũng bắt đầu khó khăn hơn.


Xem thêm: Thuốc trị gout hiệu quả nhất


Tại BV nhân dân 115, sau khi xét nghiệm các BS điều trị đã chẩn đoán và kết luận BN P. bị bệnh gout cấp trên nền mạn tính. Bên cạnh đó một vài biến chứng đi kèm như hạ natri máu, suy thận cấp và viêm dạ dày do sử dụng thuốc. Sau một thời gian ngắn dùng thuốc uống điều trị nội khoa tích cực BN mới dần phục hồi sức khỏe, giảm đau nhức tại các khớp chân tay. Nguyên nhân được chẩn đoán là BN tự ý dùng thuốc giảm đau quá liều trong một thời gian quá dài.


Tránh làm khớp biến dạng


BS Cao Thanh Ngọc - Trưởng đơn vị Nội cơ xương khớp (BV ĐH Y dược TP.HCM) cho biết, bệnh gout mạn tính thường có lắng đọng cục tophi trong dịch khớp hoặc ở các mô do không kiểm soát được nồng độ axít uric. Cục tophi không chỉ gây đau đớn, thoái hóa khớp, hư mặt khớp mà còn gây biến dạng và hạn chế chức năng vận động. Nhiều trường hợp vỡ nhiễm trùng, xương khớp bị phá hủy hay viêm xương phải cắt cụt chi, thậm chí nhiễm trùng huyết nguy hiểm tính mạng. Do đó BN nên khám BS chuyên khoa khớp để được tư vấn và hướng dẫn dùng thuốc an toàn. Theo BS Ngọc, hầu hết người mắc gout thường có chung quan niệm là hay xem nhẹ tình trạng bệnh, cho rằng không nguy hiểm bằng các bệnh đái tháo đường, tim mạch, tăng huyết áp… Hơn nữa do chủ quan sức khỏe và vì bận công việc nên không tuân thủ chỉ định điều trị của BS. Nhiều người chỉ dùng thuốc khi sưng đau khớp, sau đó triệu chứng cải thiện thì tự ý bỏ thuốc dẫn đến hậu quả nghiêm trọng, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng. Việc lạm dụng thuốc kháng viêm giảm đau giống như người bệnh tự nuôi cục tophi gây biến dạng khớp và thường gây nhiều tác dụng phụ không mong muốn như chảy máu dạ dày, suy gan, suy thận… mà trường hợp điển hình là hai BN trên đã mắc phải.


Xem thêm: Chữa bệnh gout bằng thảo dược


Gout là bệnh mạn tính nên người bệnh cần phải dùng thuốc thường xuyên và suốt đời. Việc lạm dụng thuốc giảm đau ở BN gout có thể dẫn đến những biến chứng nguy hiểm như xuất huyết tiêu hóa, loãng xương, gãy xương, đái tháo đường, nhồi máu cơ tim, đột tử… Do vậy BS Ngọc khuyến cáo người bệnh khi được chẩn đoán mắc gout nên bình tĩnh đối mặt và chấp nhận liệu trình điều trị lâu dài. Một số người bệnh có tâm lý sử dụng thuốc lâu dài sẽ nóng và gây hại cho các cơ quan trong cơ thể. Tuy nhiên đây là quan niệm sai lầm vì hiện nay đã có nhiều thuốc an toàn cho người bệnh. Trường hợp người bệnh dị ứng với thuốc hạ axít uric máu cũng có thuốc khác thay thế không gây dị ứng. “Người bệnh gout cần có lối sống lành mạnh, tinh thần thoải mái, tập thể dục đều đặn để duy trì cân nặng hợp lý, uống nhiều nước, tránh rượu bia, thuốc lá, tránh thức ăn chứa nhiều đạm động vật như nội tạng, thịt bò, hải sản. Đặc biệt, BN nên cảnh giác với những thuốc giảm đau không rõ nguồn gốc” - BS Phú đưa ra lời khuyên.


Bài, ảnh: Phương Đăng
 
Liên kết tài trợ:  Thuê xe tự lái